Mỗi con người, ngoài những điểm chung, đều có những năng lực
khác nhau về trí tuệ (thông minh, bình thường, trì trệ); về thể chất (khỏe mạnh,
yếu đuối, khéo léo, vụng về); về tình cảm, ý chí (sở thích, đam mê..).
Các nhà giáo dục trên thế giới đều khẳng định ngay từ lúc
còn thơ ấu, con người đã biểu hiện năng lực riêng tư của mình một cách rõ rệt.
Cho nên việc sớm xác định năng lực riêng của mỗi trẻ là việc tối cần thiết,
không những cho các nhà hoạch định kế hoạch giáo dục mà cho cả các bậc phụ
huynh trong việc định hướng học tập cho con em mình
![]() |
Định hướng học tập giúp bạn đi nhanh hơn |
Bằng phương pháp trắc nghiệm, các nhà tâm lý giáo dục
(Binet, Decroly, Teman) đã xác định được "đặc trưng của mỗi lứa tuổi".
Như đưa thử một việc nào đó (tay chân hay trí óc) cho một số đông trẻ cùng lứa
tuổi T, trong một thời gian nhất định, mà có trên 75% trẻ làm được thì việc đó
là đặc trưng của lứa tuổi T. Chẳng hạn như: việc tập đọc, tập viết... đem dạy
thử cho trẻ 6 tuổi mà trên 75% trẻ tiếp thu dễ dàng thì những việc này là đặc
trưng của lứa 6 tuổi và có thể đưa vào chương trình giảng dạy đại trà ở lớp 1
(6 tuổi) vì phù hợp với năng lực của đa số trẻ em.
Tất nhiên cũng có những trẻ thông minh chỉ mới 3 - 4 tuổi có
thể học đọc, học viết thật dễ dàng (có khi tiếp thu nhanh hơn trẻ 6 tuổi) và
cũng có trẻ trì trệ (cần nhiều thời gian hơn, chương trình giản lược hơn mới tiếp
thu được) thì cũng nên có những chương trình giáo dục đặc biệt dành cho chúng.
Nguyên nhân tạo ra tình trạng dạy thêm, học thêm
Có lẽ vì muốn thiết lập một chương trình giáo dục ''ngang tầm
cỡ thế giới" không quan tâm đến đặc trưng của mỗi lứa tuổi, nên ngành giáo
dục luôn đưa ra một chương trình giảng dạy uyên bác, đến nỗi các bậc cha mẹ, dù
có học thức vững đến đâu cũng không biết cách nào để tiếp tay với nhà trường
''phụ đạo'' cho các con ở nhà, đến nỗi các giáo viên (dù đào tạo chính quy) phải
tập huấn mới biết dạy (!). Một số tiến sĩ muốn hiểu được từ tinh thần của sách
giáo khoa (phân ban mới) phải mở nhiều cuộc hội thảo. Có lẽ vì vậy, để được hội
đồng nghiệm thu, bộ chỉ cho "thí điểm" ở các trường đặc biệt (chớ
không phải ở các trường bán công).
Khi tiếp thu không nổi, học sinh phải học thêm; học mà vẫn
không hiểu, chỉ còn cách là học như vẹt. Thầy "đông khách" nhờ dạy tủ
(theo đề cương, theo sách mẫu của bộ), trường khai giảng sớm, tăng tiết để bảo
đảm thành tích... Ít ai thấy: Đây chính là nguyên nhân đưa "cả nước lao
vào việc dạy thêm, học thêm chưa từng thấy", mà vẫn không thể có biện pháp
nào hữu hiệu để ngăn cấm nổi.
Ở các nước tiên tiến, người ta có những biện pháp giáo dục
riêng đối với các trẻ thông minh hoặc trì trệ. Trẻ thông minh có thể cho học sớm
hoặc rút bớt thời gian học tập (học nhảy) hoặc chương trình có phần nặng hơn.
Trẻ trì trệ thì ngược lại có quyền học trễ, thời lượng dài hơn. Lịch sử đã cho
thấy nhờ có những biện pháp giáo dục đặc biệt mà John Stuart Mill, Charles
Dickens (thông minh); Albert Einstein, anh em Charles và Georges (trì trệ)...
trở thành thiên tài của nhân loại.
Ở nước ta hiện nay, trong suốt 12 năm, vẫn là một chương
trình giảng dạy duy nhất, không có lớp riêng cho học sinh đặc biệt, không cho học
sớm, học nhảy, hạn chế tối đa việc lưu ban... vô tình hạn chế việc phát triển
nhân tài cho đất nước. Một Lương Nguyễn Liêm Bình, ở Pháp, nếu bị chế độ ''hạn
tuổi" như ở nước ta, thì làm sao mới 16 tuổi có thể đậu tú tài hạng ưu, đậu
liên tiếp vào ĐH Y Paris 6 và Ecole Normal Supérieure (và hiện là sinh viên năm
3 ĐH Y khoa Paris); một Nguyễn Ngọc Huy ở Việt Nam, mới 13 tuổi đã đậu bằng CPE
(bằng cao nhất về Anh ngữ) lại giỏi về các môn xã hội, chắc chắn vẫn phải ngồi ở
lớp 8, mỏi mòn chờ các "đồng môn" lẹt đẹt phía sau. Phải chăng có sự
lãng phí về quỹ thời gian của lớp thiếu niên anh tuấn ở nước ta?
Nên phân luồng học sinh
Trong hai lãnh vực trí năng và thể năng, thông thường mỗi trẻ
em đều có mặt mạnh, mặt yếu, ít có trẻ lưỡng toàn. Có những trẻ hoạt động trí
tuệ rất kém nhưng hoạt động chân tay lại rất khéo léo và ngược lại. Vì vậy sau
5 năm học toàn diện ở bậc tiểu học, sở trường, sở đoản của các em đã được xác lập
(bằng trắc nghiệm), thì nên phân luồng học sinh: Sở trường về trí năng thì theo
chương trình phổ thông, sở trường về thể năng thì theo chương trình học nghề.
Các nhà giáo dục thường khuyến cáo: "Tới tuổi nào đó (dù 14 -15 tuổi), trẻ
học chữ không tiến bộ, đứng ì một chỗ thì nên cho học nghề ngay, càng thúc học
chữ, trẻ càng chán nản, bất mãn...''. Các bậc cha mẹ cũng cần nhận thức thực trạng
này và nên khuyên chúng: ''Nghề nào cũng vẻ vang''.
Ở nước ta, hầu hết các trường đều chưa có bộ phận lo việc trắc
nghiệm năng lực toàn diện của mỗi học sinh để làm cơ sở tư vấn cho việc phân luồng
học sinh hoặc để các cấp quản lý tham khảo khi xây dựng chương trình giáo dục
mang tính khả thi hơn. Chỉ thấy các cấp đều bận rộn chạy theo bệnh thành tích:
Bộ, sở thì lo soạn đề cương, soạn kiến thức chuẩn để bảo đảm học sinh tốt nghiệp
trên 90%. Trường thì lo phân chia lớp nào cũng có một số học sinh để làm
"hạt nhân" trợ giúp, nâng học sinh yếu kém thành khá (luôn ngồi kề
nhau, lúc học lẫn lúc thi) để giữ vững danh hiệu, thầy thì luôn hào phóng với
điểm "hữu nghị" để cả lớp không có học sinh nào lưu ban... Với thành
tích ảo như vậy, các bậc cha mẹ đều luôn có ảo tưởng là ''con mình không đến nỗi
nào", nên yên lòng cho con mình học chữ để làm thầy (vẫn hơn học nghề, để
làm thợ!?). Có lẽ vì vậy mà các trường kỹ thuật càng đìu hiu vắng khách, số lượng
càng teo, chất lượng càng thấp (vì thiếu đầu tư) và cuối cùng phải giao cho Bộ
LĐ-TB-XH khiến người đi học càng thêm mặc cảm tự ti.
Mặt khác, tri thức của nhân loại hiện nay mênh mông như biển
cả, mọi ước vọng chiếm lĩnh tất cả tri thức thuộc mọi lĩnh vực trong cuộc sống,
đều là chuyện hão huyền. Tục ngữ Pháp có câu: "Ôm quá nhiều thì ôm không
chặt!". Trong lãnh vực giáo dục cũng vậy: Hễ giáo dục toàn diện (ôm nhiều)
thì không thể chuyên sâu (ôm chặt). Ở bậc tiểu học, là giai đoạn giáo dục để
hình thành nhân cách của con người thì việc giáo dục toàn diện (với tri thức
đơn gịản, cụ thể) là phù hợp với việc phát triển cá tính của trẻ em. Còn ở bậc
trung học, học sinh đã trưởng thành, năng khiếu đã định hình, thì cần phải giáo
dục chuyên sâu, bằng cách phân ban (giảm bớt những môn không hợp với sở trường)
của mỗi học sinh, để học sinh có thêm thời gian nghiên cứu chuyên sâu). Bởi vì
trước biển tri thức mênh mông của loài người, với quỹ thời gian 12 năm mà học
sinh phải luôn học toàn diện thì khác nào như người "cưỡi ngựa xem
hoa". Mà thời đại nào, xã hội nào cũng quý chuộng, cũng cần những người có
vốn hiểu biết chuyên sâu về một lĩnh vực hơn người hiểu biết toàn diện nhưng sơ
sài nông cạn.
Người xưa có câu: "Dụång nhân như dụng mộc" vì mỗi
con người, cũng như mỗi loại cây, đều có phẩm chất khác nhau, nên cần có những
cách sử dụng khác nhau. Thiết nghĩ: Việc "dạy học" cũng như việc
"dùng người" phải tùy năng lực mà dạy dỗ bằng những phương thức khác
nhau cho phù hợp thì mới mong đạt hiệu quả tốt đẹp.
Nguồn: SGGP
0 nhận xét:
Đăng nhận xét