Thứ Hai, 8 tháng 10, 2018

Kỹ năng mềm – Liệu bạn đã nhận thức được đầy đủ tầm quan trọng?

“Kỹ năng mềm” là thuật ngữ mà bất kỳ bạn nào cũng sẽ được nghe khi bước chân vào cánh cửa giảng đường đại học; bởi đây là một trong những tiêu chí để nhà tuyển dụng đánh giá tiềm năng của ứng viên. Vậy “Kỹ năng mềm” thật sự là gì? Và sao lại quan trọng như vậy?

Tầm quan trọng của kỹ năng mềm
 


Theo thống kê của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, tính đến hết quý III năm 2017, cả nước có khoảng 237.000 người có trình độ đại học thất nghiệp. Tuy nhiên, một nghịch lý tại thị trường lao động Việt Nam là dù dôi dư nguồn nhân lực nhưng các công ty, doanh nghiệp vẫn đang đau đầu khi không thể tìm được những ứng viên phù hợp. Vậy đâu là nguyên nhân chính? Theo ông Nguyễn Thanh Long – Giám đốc Công ty TNHH MTV Tổ chức sự kiện tại Kon Tum cho biết, hằng năm, công ty ông tuyển dụng từ 3 – 5 sinh viên mới ra trường. Tuy nhiên, gần như 95% số bạn trẻ thiếu kỹ năng mềm và yếu ngoại ngữ; chính điều này khiến tỉ lệ thất nghiệp của sinh viên mới ra trường đang ở mức báo động.



“Kỹ năng mềm” – Nâng tầm giá trị bản thân


Chỉ với động tác truy cập vào google.com và gõ từ khóa “kỹ năng mềm” thì chỉ cần 0.43 giây đã có đến 8.520.000 kết quả trả về để bạn chọn lựa. Chúng tôi sẽ giúp các bạn có cái nhìn khái quát hơn về những kỹ năng mà nhà tuyển dụng mong đợi ở các ứng viên.

Kỹ năng mềm



 Kỹ năng giao tiếp

 
kỹ năng giao tiếp


Đây là một trong những kỹ năng mà bạn dễ dàng nghe thấy hằng ngày ở mọi nơi. Khả năng giao tiếp chính là chìa khóa cho bất kỳ hoạt động tương tác của mọi người ở nơi làm việc và trong cuộc sống thường nhật. Tuy nhiên, với sự tiến bộ của khoa học công nghệ, chúng ta có thêm nhiều cách thức để giao tiếp với nhau từ điện thoại cho đến mạng xã hội. Vì vậy, các nhà tuyển dụng hiện nay đang cần những ứng viên có khả năng giao tiếp với đồng nghiệp cũng như với những người bên ngoài tổ chức.



“Giao tiếp là một kỹ năng bạn có thể học. Nó cũng giống như đi xe đạp hay tập đánh máy. Nếu bạn sẵn sàng nhọc công vì nó, bạn có thể nhanh chóng cải thiện chất lượng của mọi phần trong cuộc sống của mình” – Brian Tracy.



Kỹ năng giải quyết vấn đề:


Bạn sẽ làm khi gặp vấn đề khó khăn nào đó? Từ bỏ hay tìm cách giải quyết nó? Hiện nay, trong bất cứ buổi phỏng vấn xin việc nào, các nhà tuyển dụng luôn đưa ra những câu hỏi tình huống nhằm đánh giá khả năng giải quyết vấn đề của ứng viên. Đừng chần chừ, ngay từ bây giờ, hãy luôn trau dồi cho mình những kinh nghiệm thực tiễn của bản thân bằng cách tham gia vào các hoạt động xã hội, ngoại khóa để từ đó có thêm những cái nhìn khái quát hơn về các khía cạnh trong cuộc sống, và đưa ra những giải pháp phù hợp cho từng vấn đề.



“Với mọi vấn đề, luôn luôn có giải pháp đơn giản nhất” – Agatha Christie.



 Kỹ năng làm việc nhóm

Kỹ năng làm việc nhóm

 


Hầu hết môi trường học tập ở bậc THPT tại Việt Nam, học sinh được nuôi dưỡng trong nền văn hóa cạnh tranh và độc lập chứ không phải là làm việc theo nhóm và hợp tác. Tuy nhiên, trên thực tế, các nhà tuyển dụng luôn đòi hỏi khả năng làm việc nhóm của ứng viên; bởi làm việc nhóm sẽ giúp đảm bảo tiến độ và nâng cao hiệu quả trong công việc. Tuy nhiên, để đạt hiệu quả tốt nhất khi làm việc nhóm, mỗi thành viên cần phải thể hiện trách nhiệm của mình đối với công việc, cũng như giúp đỡ các thành viên khác góp phần vào thành công chung của cả nhóm.



“Làm việc nhóm là khả năng làm việc cùng nhau hướng đến tầm nhìn chung. Là khả năng dẫn dắt những thành tích cá nhân vì các mục tiêu của tổ chức. Đây là động lực giúp những người bình thường có thể đạt được những kết quả phi thường” – Andrew Carnegie.
 




Kỹ năng lãnh đạo  


Đã bao giờ bạn tự thắc mắc về khả năng lãnh đạo của bản thân mình? Bạn tự cảm thấy mình không có khả năng lãnh đạo mọi người? Đừng quá lo lắng, không ai vừa sinh ra đã có thể trở thành một nhà lãnh đạo! Đây là một kỹ năng đòi hỏi bạn phải nỗ lực học hỏi và rèn luyện mới đúc kết được. Thực chất, kỹ năng lãnh đạo chính là khả năng tạo ra tầm nhìn, cảm hứng và ảnh hưởng trong tổ chức.



“Tài lãnh đạo dựa trên sự truyền cảm hứng, không phải sự chi phối; dựa trên sự hợp tác, không phải sự dọa dẫm” – William Arthur Ward.



Kỹ năng quản lý thời gian

 


Mỗi người đều có 24h/ngày để làm việc và nghỉ ngơi; cho dù có là ai đi chăng nữa thì bạn cũng chỉ có 24h một ngày. Khi mà bạn học được cách quản lý thời gian, bạn sẽ biết cách kiểm soát bản thân, cải thiện khả năng tập trung và phân loại công việc. Khi khả năng tập trung được nâng cao, hiệu quả cũng từ đó mà cải thiện. Để rồi nhận ra mọi công việc bạn hoàn thành nhanh chóng và đơn giản hơn mình tưởng. Tất cả mọi thứ xung quanh bạn sẽ trở nên khoa học và có trật tự hơn rất nhiều.



“Đừng bao giờ để đến ngày mai những việc bạn có thể làm ngày hôm nay” – Benjamin Franklin.





Luyện tập chính là chìa khóa của thành công




Practice makes perfect – Học hỏi và rèn luyện chính là chìa khóa thành công

Thoạt đầu, việc áp đặt bản thân vào một khuôn khổ nào đó sẽ vô cùng khó khăn; nhưng chiếc chìa khóa để phát triển các kỹ năng mềm chính là thực hành chúng. Khi học những kỹ năng quan trọng trong cuộc sống, chúng ta phải vượt qua một độ khó nhất định mới có thể tiếp thu. Tuy nhiên, khó không có nghĩa là không học được. Khi đã thuần thục rồi, chúng sẽ trở thành những “khoản đầu tư” đáng giá nhất trong cuộc đời bạn.



Nhưng làm thế nào để bạn có thể luyện tập khi cuộc sống ngày càng trở nên bận rộn? Tất cả chúng ta đều bận rộn, nhưng bạn có thể thực hành ở bất cứ đâu. Hãy nhanh chóng lập cho bản thân một kế hoạch cụ thể để phát triển các kỹ năng! Bên cạnh đó, dù muốn hay không bạn cũng nên cải thiện khả năng ngoại ngữ của mình. Trong thế giới toàn cầu hóa ngày nay, ngoại ngữ gần như yêu cầu bắt buộc với thị trường lao động hiện nay. Hiện nay, có rất nhiều lựa chọn để bạn học ngoại ngữ; bạn có thể tham gia các khóa học tại các trung tâm hay thậm chí là thông qua các khóa học online.

>> Nguồn: tuyensinhvnuk

0 nhận xét:

Đăng nhận xét